Hậu cần
Tiếp theo chương trình công tác, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn, kiểm tra công tác Phòng chống thiên tai TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long theo tinh thần Công văn số 25/TWPCTT ngày 19/3/2020 của Ban Chỉ đạo TW về PCTT
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía địa phương có Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cùng các thành viên Ban Chỉ huy và các cơ quan của tỉnh Vĩnh Long.
Đoàn đã đi kiểm tra thực địa tại Cống Vũng Liêm, phục vụ ngăn mặn giữ ngọt đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt, đã đạt hiệu quả tốt trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020.
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, đại diện Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Long báo cáo tình hình thực hiện công tác PCTT và những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong thời gian qua. Qua đó, địa phương đã được Chính phủ và các Bộ ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện tốt công tác PCTT, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Đặc biệt, thiên tai các tháng đầu năm 2020 gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh: Mưa kèm dông lốc làm bị thương 02 người, hư hỏng 185 căn nhà, thiệt hại 1.854ha lúa, ngập úng 10ha rau màu, đổ ngã 11ha cây trồng; 78 tuyến/điểm sạt lở làm mất 2.615m đất bờ sông, kênh rạch kèm theo các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến 08 hộ dân; Hạn hán, xâm nhập mặn làm 18.868ha cây trồng bị thiếu nước trong thời gian ngắn, 2.233ha cây trồng bị nhiễm mặn, 26.289 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 89.743 hộ dân có thời đoạn phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn. Tổng thiệt hại khoảng 314.326 triệu đồng.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã chủ động xây dựng, rà soát, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung kế hoạch PCTT, phương án ứng phó hàng năm, trong đó cấp tỉnh, huyện và cấp xã đã có các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hàng năm có rà soát điều chỉnh bổ sung phù hợp tình hình thực tế.
Công tác đảm bảo an toàn dân cư được chú trọng, giai đoạn 2016-2020, từ nguồn ngân sách TW hỗ trợ theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã triển khai thực hiện bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai (Vào cụm tuyến dân cư tập trung: 97 hộ, ổn định tại chỗ: 114 hộ).
Ngoài ra, công tác “4 tại chỗ” được chủ động thực hiện qua việc kiện toàn và phân công trách nhiệm cụ thể trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; Rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn; Xây dựng Nông thôn mới đảm bảo an toàn trước thiên tai theo tiêu chí 3.2, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác PCTT và quản lý rủi ro thiên tai (RRTT) dựa vào cộng đồng theo đề án 1002,…
Công tác xây dựng, củng cố lực lượng xung kích PCTT ở các xã, phường, thị trấn được địa phương quan tâm chú trọng, hiện đã và đang rà soát và sẽ ra quyết định thành lập các Đội xung kích PCTT trong tháng 9 năm 2020.
Các thành viên Đoàn kiểm tra có ý kiến với địa phương: Tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó đưa các quy hoạch, dự án, đề án vào kế hoạch để chủ động về kinh phí và có giải pháp căn cơ, ổn định về lâu dài; Xây dựng phương án ứng phó cụ thể với từng loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn, kể cả phương án ứng phó với bão, lũ; Xây dựng các bản đồ sạt lở, bản đồ rủi ro thiên tai; Thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, nghiên cứu áp dụng mô hình kè sinh thái; Bổ sung đề xuất kiến nghị về hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho Văn phòng thường trực BCH các cấp, đào tạo tập huấn cho đội ngũ giảng viên TOT của tỉnh, cho lực lượng xung kích PCTT, cứu hộ cứu nạn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh - Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Long đề nghị các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp thu các ý kiến của Đoàn công tác để có những định hướng, giải pháp hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị TW xem xét, giải quyết hỗ trợ các dự án (địa phương đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Giúp địa phương giải pháp lâu dài, bền vững về trữ nước ngọt; Có quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong việc thành lập các BCH, BCĐ của địa phương (Biến đổi khí hậu, Phòng thủ dân sự,…).
Kết luận tại buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Long, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận và biểu dương địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTT thời gian qua (Chuẩn bị tốt báo cáo phục vụ Đoàn kiểm tra đảm bảo yêu cầu và sát tình hình thực tế; Xây dựng được phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn, chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, quản lý và sử dụng tốt Quỹ PCTT,…). Hiện nay, thời tiết thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường, đề nghị tỉnh Vĩnh Long tiếp tục quan tâm, quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, và Nghị quyết 76 của Chính phủ về công tác PCTT; Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy; Lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của địa phương.
Đồng thời, đề nghị tỉnh Vĩnh Long quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cho Văn phòng thường trực BCH; Rà soát toàn bộ các quy hoạch, kế hoạch của từng ngành, từng lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội làm cơ sở để đề ra các giải pháp lâu dài, bền vững. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ nâng cấp Văn phòng thường trực cấp tỉnh; Xây dựng, rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai, trong điều kiện biến đổi khí hậu cần xây dựng thêm phương án ứng phó với bão, lũ để chủ động phòng tránh; Chú trọng xây dựng kế hoạch PCTT cho giai đoạn 2021-2025 lồng ghép kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào xử lý, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở,... Tổ chức diễn tập ứng phó các loại hình thiên tai phù hợp với điền kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông và tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống, ứng phó của người dân; Tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; Quan tâm xây dựng và đào tạo lực lượng quản lý, vận hành các công trình PCTT và thủy lợi trên địa bàn.
Đối với các đề xuất của địa phương, Đoàn kiểm tra ghi nhận và sẽ báo cáo BCĐTW về PCTT cùng các Bộ ngành liên quan để xem xét trong thời gian tới./.
Chủ đề
Chủ đề nổi bật